Trong bối cảnh nền kinh kế đang chịu nhiều sức ép của đại dịch trăm năm có một, liệu các doanh nghiệp nên áp dụng chiến lược nào cho phù hợp, hay áp dụng chiến lược tồn tại, và chiến lược tồn tại có thực sự giúp doanh nghiệp bạn tồn tại ?
Khái niệm tồn tại rất mơ hồ, sự tồn tại của doanh nghiệp được hiểu ở nhiều trạng thái khác nhau như: doanh thu cao, doanh thu thấp, hòa vốn, doanh số nghìn tỷ nhưng lợi nhuận âm hoặc bằng 0 cũng là tồn tại, liên tục thua lỗ nhưng chưa đến mức phá sản cũng là tồn tại. Vậy nên, tồn tại không phải là một chiến lược mà là tình trạng của doanh nghiệp. Bạn lập ra một doanh nghiệp, bạn chẳng cần làm gì, chẳng cần có chiến lược gì, nó vẫn tồn tại chừng nào chưa được cơ quan nhà nước ra quyết định giải thể. Vì vậy, để tồn tại bạn không cần phải có chiến lược gì ghê gớm.
Trên thực tế, rất ít các doanh nghiệp muốn tồn tại theo nghĩa không cần tăng trưởng doanh thu hay lợi nhuận mà chỉ duy trì ở mức hiện hữu, có thể gọi đó là chiến lược tồn tại, nhằm đạt mục tiêu là sống sót. Tuy nhiên, định hướng này sẽ là một cạm bẫy làm cho nhiều doanh nghiệp bước vào con đường chết dỡ và sống dỡ.
Với mục tiêu chỉ là tồn tại, doanh nghiệp sẽ áp dụng chiến lược hoạt động cầm chừng, không nghĩ đến chuyện nâng cao lợi thế cạnh tranh, lơ là trong việc tạo ra, duy trì sự khác biệt cho sản phẩm, giảm thiểu hoặc không chú trọng đến các hoạt động marketing, xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân sự, củng cố xây dựng tài nguyên, nâng cấp hệ thống… Đây là cơ hội để các đối thủ vượt lên bằng các chương trình phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tăng cường các hoạt động marketing để gia tăng thị phần và có khi chiếm luôn vào thị phần hiện tại của doanh nghiệp bạn.
Ngay cả một doanh nghiệp mới gia nhập thị trường nếu trong giai đoạn đầu chỉ lấy sự tồn tại làm mục tiêu, và xây dựng chiến lược xoay quanh mục tiêu này, doanh nghiệp đó sẽ rơi vào cái bẫy nguy hiểm – như một con thuyền muốn đứng trên dòng nước ngược, không tiến được, ắt phải lùi. Một doanh nghiệp chỉ tồn tại (sống sót tại chỗ), trong khi đối thủ cạnh tranh của họ vẫn đi lên, thì thưc chất doanh nghiệp đó đang thụt lùi.
Thường có sự nhầm lẫn giữa chiến lược phòng thủ và chiến lược tồn tại. Một chiến lược phòng thủ như “phòng ngự chặt, phản công nhanh” của một đội bóng không phải để hướng tới mục tiêu tồn tại, mà hướng tới mục tiêu chiến thắng, ít nhất là chiến thắng mục tiêu tổng thể. Chiến lược phòng thủ không có nghĩa là không cạnh tranh, thậm chí còn “thôi thúc” cạnh tranh gay gắt, là cách để tồn tại, chứ không phải là cứ đứng yên tại chỗ là sẽ tồn tại. Vậy thì khái niệm chiến lược tồn tại có thật sự giúp doanh nghiệp bạn tồn tại không, hay vẫn là chiến lược cạnh tranh, hoặc chiến lược định vị cạnh tranh?
Thực tế guồng quay thị trường rất khốc liệt, để tồn tại, bạn dừng để mình mắc vào cái bẫy đứng yên, hay hoạt động cầm chừng. Ngược lại bạn phải chiến đấu trong tâm thế của kẻ sắp bị tiêu diệt. Và không cách nào khác, bạn vẫn phải chiến đấu bằng một chiến lược cạnh tranh – competitive strategy, chứ không phải bằng chiến lược tồn tại.
Ref. PTDNV
M.O.C I Business Strategy & Brand Strategy