COVID-19 đã đưa xã hội loài người vào một cuộc khủng hoảng lớn, các doanh nghiệp là một phần không thể tách rời của xã hội, Vậy, tình trạng hiện tại có phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế? Và nếu không linh động ứng phó, bạn có thể sẽ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, bạn cần phải xem xét lại nguồn lực và tài lực của doanh nghiệp mình để đưa ra những kịch bản chắc chắn giúp doanh nghiệp tồn tại ngay khi chúng ta bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế thị trường.
Những doanh nghiệp và tập đoàn lớn không thuộc các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp thì chọn hướng đi khác: tận dụng thời gian này để cải thiện bộ máy, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới chờ thị trường khởi sắc.
Mặt khác, đa số doanh nghiệp còn lại không có free cash flow (dòng tiền tự do) đáng kể và phải chịu chi phí vận hành cố định lớn, đang lựa chọn phương án cầm cự duy trì để vượt qua mùa dịch. Cụ thể là giảm giờ làm, đóng cửa một số chi nhánh/ văn phòng đại diện/ cửa hàng, thắt chặt chi tiêu để giảm bớt chi phí vận hành.
THẾ NÀO LÀ MỘT GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH TÍCH CỰC?
1. Rà soát cắt giảm những khoản chi không cần thiết, giảm hao hụt. Bật ngay chế độ tiết kiệm tối đa chi phí vận hành.
Với nhiều doanh nghiệp, chi phí cho nhân viên chiếm phần lớn chi phí hoạt động. Vậy nên khá phổ biến doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm khoản này đầu tiên. Có nhiều phương án đang được sử dụng như:
• Cắt giảm giờ làm nhưng giữ nguyên số lượng nhân viên hoặc chuyển nhân viên full-time thành part-time.
• Đăng ký nghỉ xoay ca. Nhân viên có thể làm 2 tuần, nghỉ 1 tuần và xoay ca với những đồng nghiệp khác.
• Làm việc tại nhà và trao đổi qua online để giảm thiểu chi phí vận hành, thuê mướn, di chuyển.
2. Tích cực thu hồi công nợ
Việc sớm thu hồi công nợ, góp phần giúp doanh nghiệp cân đối được dòng tiền cho công ty. Tuy nhiên, để làm được điều này thì không dễ, nhưng doanh nghiệp bạn có thể áp dụng hình thức chiết khấu thanh toán từ 5% – 20% tuỳ vào loại hình sản phẩm và dịch vụ để kích thích khách hàng thanh toán sớm
3. Thanh lý hàng tồn kho
Hãy sales off những gì doanh nghiệp bạn chưa cần đến hoặc hàng sản xuất dư, hàng lỗi thời,… để thu được tối đa lượng tiền mặt từ nhóm hàng tồn kho
4. Phát hành cổ phần ưu đãi
Bằng cách phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức kèm theo chiết khấu mạnh khi mua sản phẩm dịch vụ của cty mình để thu tiền và kích cầu. Nếu doanh nghiệp bạn là Công ty cổ phần và hoạt động trên 2 năm với mô hình kinh doanh tốt thì vẫn có thể thu hút với điều kiện phải đưa ra quyền lợi nhiều cho cổ đông mới.
5. Tăng vốn bằng cách bán bớt cổ phần
Dĩ nhiên bạn cần hy sinh kha khá nếu gọi vốn trong giai đoạn này, chẳng hạn doanh nghiệp bạn trước đại dịch toàn cầu được định giá 10 tỷ thì giai đoạn này phải chịu định giá giảm đi ít nhất 30% mới thu hút nhà đầu tư
6. Phát hành thẻ thành viên thu tiền trước với nhiều ưu đãi
Ví dụ doanh nghiệp bạn có thể phát hành thẻ thành viên với giá ưu đãi giảm 20-30% để kích cầu. Dĩ nhiên những ngành như thực phẩm sạch hoặc ăn uống sẽ được ưa chuộng hơn và đạt hiệu quả cao hơn khi dùng cách này.
7. Thương lượng trả chậm nhà cung cấp, có thể tăng giá mua vài phần %
Cũng như các ngân hàng đang áp dụng hình thức giãn nợ cho khách hàng vay, thì việc bạn yêu cầu đối tác, nhà cung cấp hỗ trợ giãn tiến độ thanh toán hoặc trả chậm là biện pháp tích cực trong giai đoạn hiện nay
VẬY ĐÂU LÀ NHỮNG GIẢI PHÁP ĐIỀU CHỈNH TẤT YẾU?
1.Tìm hướng đi mới, sản phẩm mới
Rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh để phục vụ nhu cầu phát sinh mùa dịch. Một số khác tận dụng cơ hội này để xây dựng hình ảnh thương hiệu. Cùng điểm qua một vài hướng đi đang đạt hiệu quả trong hiện tại:
Sau bánh mì thanh long, ABC Bakery tiếp tục gặt hái nhiều thiện cảm khi cung cấp 3000 ổ bánh mì dinh dưỡng cho đội ngũ y bác sĩ đang chiến đấu với dịch Covid-19.
Cửa hiệu Twitter Beans Coffee cho biết sẽ phục vụ miễn phí từ 8.000 – 10.000 cốc cà phê đính kèm hàng ngàn tin nhắn gửi đến các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch.
Pizza 4P’s cung cấp menu giao hàng với nhiều ưu đãi cùng hướng dẫn hâm nóng thực phẩm tại nhà cho khách hàng để thúc đẩy doanh số kênh online.
Nhiều thương hiệu F&B kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ: giao hàng online, phục vụ tại nhà, chuyển đổi thành mô hình lấy bếp làm trung tâm,…
Doanh nghiệp bán lẻ như Big C hay Co.op cũng đẩy mạnh giao hàng online và dịch vụ đi chợ hộ kết hợp với các ứng dụng giao hàng Grab, Be cho những mặt hàng thiết yếu.
Nhiều cửa hàng kết hợp kinh doanh không lợi nhuận hoặc tặng miễn phí các sản phẩm y tế như khẩu trang, nước rửa tay khi đặt mua sản phẩm của cửa hàng
2. Triển khai dự án, công việc quan trọng nhưng chưa được thực hiện
Nhiều doanh nghiệp coi đây là thời điểm vàng để xúc tiến những công việc còn tồn đọng hay chưa triển khai vì thiếu thời gian và nguồn lực, ví dụ: thiết kế website mua hàng cho công ty, tìm kiếm để mở rộng phân khúc thị trường mới, chuẩn hóa bộ quy trình trong doanh nghiệp, phát triển định hướng kinh doanh để khắc phục sau dịch, xác định lại lợi thế cạnh tranh của sản phẩm/ dịch vụ bạn đang cung cấp
3. Phát triển nhân viên, rèn luyện đội ngũ
Nhiều công ty đã tổ chức cho nhân viên trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về những chủ đề như: làm việc hiệu quả, quản lý thời gian hay phát triển bản thân. Ngoài ra, một số chủ doanh nghiệp cũng phổ biến lại những nguồn kiến thức hay lớp học online, đa phần là miễn phí, để nhân viên trau dồi ngay tại nhà.
M.O.C Agency